Nước hoa từ lâu được coi là biểu tượng của sự tinh tế, sang trọng, làm say đắm hàng triệu người trên thế giới. Từ khi ra đời cho đến nay, nguồn gốc của nước hoa vẫn là bức màn bí ẩn. Tuy lịch sử của nước hoa dần bị lãng quên, nhưng nó vẫn ngày càng trở nên quan trọng và phổ biến trong bất cứ nền tôn giáo, quốc gia hay chế độ nào. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về nguồn gốc và sự phát triển của nước hoa, đặc biệt với sự nổi tiếng của nước hoa Pháp.
Truyền thuyết xa xưa của nước hoa
Nước hoa có nguồn gốc từ vùng Mesopotamia (nay là Iraq), nơi mà các tinh dầu được lấy từ các loại thực vật và sử dụng như một loại tinh dầu thơm. Theo ghi chép tìm được, ban đầu nước hoa được dùng trong các nghi lễ cúng bái thần linh, nó đại diện cho sự thần thánh, bất khả xâm phạm, người bình thường không được phép động tới. Thời kì đồ đá, khi con người bắt đầu học được cách dùng lửa, họ nghĩ rằng khói bóc lên sau khi lửa cháy đại diện cho liên hệ với thần linh, nên từ Perfume dùng để chỉ nước hoa trong tiếng Anh được bắt nguồn từ chữ Latin Perfumum với nghĩa là “xuyên qua làn khói”.
- Trong thời kỳ cổ đại, nước hoa được sử dụng như một phương tiện để xua đuổi tà ma và mang lại may mắn. Người Hy Lạp cổ đại thường sử dụng nước hoa để cầu nguyện và tránh khỏi sự xui xẻo.
- Theo truyền thuyết Ai Cập cổ đại, nước hoa được tạo ra bởi thần Thoth, người đã cho con rắn chuyển hóa thành bình nước hoa đầu tiên.
- Trong thời Trung Cổ, nước hoa được sử dụng rộng rãi tại châu Âu, và được cho là có khả năng phòng chống bệnh tật. Nó cũng được sử dụng để khử mùi hôi và mang lại hương thơm tinh tế cho các phòng ngủ.
- Trong văn hoá Ấn Độ, nước hoa được sử dụng từ rất lâu để tăng cường sức khỏe và tâm linh. Nước hoa cũng được cho là có khả năng giúp tinh thần tập trung và giảm căng thẳng.
- Trong văn hoá Trung Quốc, nước hoa được sử dụng như một phương tiện để tôn vinh sắc đẹp và mang lại may mắn. Các nhà quý tộc và hoàng đế thường sử dụng nước hoa để tăng cường sức khỏe và tinh thần.
Những truyền thuyết và lịch sử xoay quanh nước hoa chỉ ra rằng nước hoa đã có mặt trong văn hoá của con người từ rất lâu đời và vẫn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hiện đại của chúng ta. Lịch sử kể lại rằng, trước khi nước hoa trở nên phổ biến, ở khắp nơi trên thế giới, con người phải sống chung với rất nhiều thứ mùi hôi hám không cách nào gột rửa được. Chỉ đến khi con người tìm ra cách giữ lại mùi thơm của hoa cỏ trong dung dịch, ý thức hệ về chuyện làm đẹp mới bắt đầu hình thành một cách chỉn chu.
Nước hoa được dùng trong các nghi lễ cúng bái thần linh
Lịch sử ra đời và phát triển của nước hoa
Lưỡng Hà & Lưu vực sông Ấn
Có rất nhiều giả thuyết về nguồn gốc của nước hoa, nhưng thường thì tộc người vùng Lưỡng Hà, Ba Tư và Ai Cập luôn được cho là những người sáng tạo nước hoa đầu tiên trên thế giới. Qua nghiên cứu các dấu vết còn để lại của người Ai Cập và Lưỡng Hà, các nhà khảo cổ học đã phát hiện nước hoa đã được sử dụng 3000 năm trước. Các nhà nghiên cứu tìm thấy bằng chứng về loại nước hoa lâu đời nhất trên đảo Síp ở phía Đông Địa Trung Hải có niên đại cách đây 4.000 năm.
Loại nước hoa này có hương thơm chiết xuất từ hoa oải hương, cây nguyệt quế, cây hương thảo và nhựa thông. Khi giải mã ý nghĩa của chữ tượng hình trong những ngôi mộ cổ, các nhà khoa học phát hiện người Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại sử dụng nước hoa từ hơn 3.000 năm trước. Phiến đất sét khắc chữ hình nêm được tìm thấy ở Lưỡng Hà ghi nhận người phụ nữ tên Tapputi là nhà sản xuất nước hoa đầu tiên trong khu vực.
Tapputi là nhà hóa học đầu tiên trên thế giới, cũng là thợ điều chế nước hoa tại thành Babylon ở vùng Lưỡng Hà, bà đã tạo nên loại nước hoa đầu tiên từ hoa oải hương, các loại dầu và hoa ở triều đại Babylon vùng Lưỡng Hà. Bà thường xuyên chưng cất hoa, dầu, cây mây với các dung môi khác và tiến hành trộn lọc chúng nhiều lần để tạo thành nước hoa. Nhờ vào những ghi chép tỉ mỉ, các thủ thuật và giai đoạn chưng cất nhanh chóng được lan truyền ra khu vực ven sông Ấn. Phương pháp sử dụng dung môi của bà cũng trở thành nền tảng cho ngành công nghiệp nước hoa hiện đại.
Lưỡng Hà cổ đại sử dụng nước hoa từ hơn 3.000 năm trước
Đất nước Ai Cập cổ đại đầy kì bí
Nước hoa đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng tôn thờ các vị thần của người Ai Cập. Họ cho rằng nước hoa là mồ hôi của thần mặt trời Ra, nên luôn được xem như là một vật phẩm thần thánh. Họ sử dụng gỗ thơm, thảo mộc hoặc rễ cây cỏ để làm nước hoa trong các buổi lễ tế thần. Họ tin rằng hương thơm sẽ giúp kết nối con người với thần thánh, giúp con người nhận được sự che chở và bảo hộ của các vị thần. Người Ai Cập còn tôn thờ một vị thần nước hoa có tên Nefertum, người đội một chiếc khăn trùm đầu tạo thành từ hoa súng – một trong những nguyên liệu nước hoa phổ biến nhất ngày nay.
Là “ông tổ” trong việc sáng chế nước hoa, người Ai Cập cổ đại còn sử dụng nước hoa trong những ngôi mộ chôn cất các pharaoh hoặc thầy tế cấp cao và thậm chí là dùng cho cơ thể mỗi ngày. Người Ai Cập cổ sử dụng những loại nhựa cây có mùi thơm để phục vụ cho việc thờ cúng. Bởi họ quan niệm rằng hương thơm có thể kết nối loài người với thần thánh, được các vị thần ưu ái bảo vệ hơn. Giới quý tộc Ai Cập tin họ sẽ sớm được lên thiên đàng khi đắm mình trong những hương thơm ngào ngạt. Truyền thuyết kể lại rằng, nữ hoàng xinh đẹp Cleopatra của Ai Cập cho người bôi dầu thơm lên những cánh buồm khi chiếc thuyền chở nàng ra khơi tìm gặp tình nhân người La Mã, Mark Antony. Nữ hoàng muốn Mark Antony biết trước sự xuất hiện của nàng trước khi chạm mặt nhau thông qua mùi thơm.
Hình thức sớm nhất của chai nước hoa xuất hiện ở Ai Cập vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên. Người Ai Cập là những cư dân đầu tiên trên thế giới biết cách làm ra những chai thủy tinh, và họ thường xuyên dùng chúng để đựng nước hoa.
Nước hoa được Cleopatra sử dụng cách đây hơn 2.000 năm
Xứ sở Ba Tư huyền thoại
Theo thời gian, nước hoa du nhập từ Ai Cập sang xứ sở Ba Tư huyền thoại. Tại đây, nước hoa chỉ được sử dụng bởi tầng lớp quý tộc của Ba Tư cổ đại. Vì thế, hình ảnh các vị vua Ba Tư thường gắn liền với lọ nước hoa, điển hình trong các tác phẩm hội hoạ với những chai nước hoa trên tay hai nhà cai trị huyền thoại. Avicenna – nhà hóa học, triết gia người Ba Tư – không ngừng thí nghiệm để tạo ra nhiều mùi thơm mới bằng phương pháp chưng cất. Ông đã thành công khi tạo ra lọ mùi hương mới mà không dựa trên tinh dầu. Từ đó, người ta dần sử dụng cồn để làm nguyên liệu nền, tương tự như loại chúng ta đang dùng hiện nay.
Người Ba Tư cũng rất tôn sùng nước hoa, và nó thường được xem như là biểu tượng của vị thế chính trị, và chỉ được sử dụng phổ biến trong tầng lớp quý tộc của Ba Tư thời cổ đại. Họ dùng nhiều đến mức hình ảnh những vị vua với tư thế cầm chai nước hoa trong các bức họa Ba Tư trở nên quá đỗi bình thường. Điển hình là những tác phẩm hội họa với chi tiết chai nước hoa cầm trong tay của hai nhà cai trị huyền thoại: Darius và Xerxes. Trong nhiều thế kỷ, người Ba Tư thống lĩnh thị trường nước hoa và người ta cho rằng quy trình chưng cất rượu cũng được bắt nguồn từ xứ sở này.
Nước hoa được sử dụng trong tầng lớp quý tộc của Ba Tư thời cổ đại
Hy Lạp thời kỳ La Mã cổ đại
Thứ hương thơm đặc biệt này lan dần đến đất nước Hy Lạp. Không còn là biểu tượng của sức mạnh chính trị như ở Ba Tư, nước hoa tại đây là một tác phẩm nghệ thuật đầy lôi cuốn mà ai cũng có thể chạm được chứ không riêng vua chúa hay tầng lớp quý tộc. Dưới ảnh hưởng của văn hoá Trung Đông và Hy Lạp, người dân La Mã cũng bị thứ hương thơm quyến rũ này lôi cuốn. Và nước hoa đã chiếm lĩnh một vùng đất khá rộng lớn từ vùng Địa Trung Hải đến khu vực Trung Đông.
Khi người Ai Cập kiểm soát những tuyến đường thương mại lớn ở Địa Trung Hải, việc sử dụng nước hoa nhanh chóng lan truyền trên diện rộng và du nhập sang nhiều vùng lân cận. Các thương gia người Phoenicia là những người đã vận chuyển, buôn bán nước hoa từ Ai Cập sang Hy Lạp. Không lâu sau, người Hy Lạp xem nước hoa là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, thậm chí chúng còn xuất hiện trong các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Nếu người Ba Tư quan niệm nước hoa là biểu tượng của sức mạnh chính trị, thì dưới góc nhìn của người Hy Lạp chúng như một tác phẩm nghệ thuật đầy lôi cuốn mà ai cũng có thể chạm được chứ không riêng gì tầng lớp quý tộc.
Do chịu sự ảnh hưởng của văn hóa Trung Đông và Hy Lạp, người La Mã cũng bị hấp dẫn bởi hương thơm quyến rũ của nước hoa. Họ tin những hương thơm đầy nội lực có thể đưa con người đến gần các vị thần hơn. Tuy nhiên, nó không chỉ được sử dụng cho các mục đích tín ngưỡng mà còn được dùng rộng rãi trong các sản phẩm làm đẹp, phòng tắm công cộng, thậm chí được bôi vào lòng bàn chân, bôi lên đồ dùng hằng ngày để tạo mùi thơm như rèm cửa, đệm, nến, sản phẩm làm đẹp. Họ chiết xuất nhiều mùi hương mới từ hoa nhài, hoa hồng, hoa huệ tây, cây bách xù…để làm phong phú thêm các loại nước hoa. Những gia đình quý tộc thậm chí còn bổ sung tinh dầu thơm vào các đài phun nước và phòng tắm để tạo ra mùi thơm ngọt ngào, quý phái.
Nhưng chỉ đến khi người La Mã và Hy Lạp tiếp quản Ba Tư và quen dần với những loại nước hoa, thì việc chế tạo mùi hương mới được xem như một hình thức nghệ thuật. Sau đó, nó lan rộng ra khắp thế giới và đến năm 1190, khi nước hoa thâm nhập vào Paris, nó bắt đầu trở thành một mô hình kinh doanh phát triển và nở rộ thành ngành công nghiệp khổng lồ như hiện nay.
Người La Mã cũng bị hấp dẫn bởi hương thơm quyến rũ của nước hoa
Đất nước Trung Hoa cổ đại
Sự sụp đổ của đế chế La Mã với những cuộc chiến tranh đẫm máu, những cuộc xâm lăng man rợ đã mang đến một thời kỳ đen tối cho nước hoa. Cuộc sống người dân bị đảo lộn, họ phải vất vả mưu sinh, tranh giành sự sống nên việc sử dụng nước hoa dần mai một. Nhưng sau khi nền hòa bình được thiết lập, nước hoa dần xuất hiện trở lại với kỹ thuật điều chế và bảo quản hiệu quả hơn. Ở thời kì này, sự kiện lịch sử nổi bật trong việc chế tạo nước hoa đó là họ đã biết bảo quả nước hoa trong những ống thủy tinh và các vật liệu quý đế khiến cho mùi hương không bị mất mát ra bên ngoài không khí. Hương liệu sử dụng cũng đa dạng hơn gồm có hổ phách, các loại hoa như hoa nhài, hoa hồng, xạ hương và thảo mộc.
Người Trung Hoa cổ không thoa trực tiếp nước hoa lên người mà họ chọn cách đốt trầm hương và các loại hương liệu. Họ sử dụng mùi thơm để ướp món ăn và sáng chế ra những bài thuốc khử trùng vì họ tin rằng thảo dược có mùi thơm sẽ chữa khỏi một số loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà sử học cho rằng tầng lớp vua chúa vẫn sử dụng nước hoa như mỹ phẩm.Tầng lớp quý tộc thậm chí còn cạnh tranh nhau để sở hữu nước hoa có mùi hương lạ nhập khẩu thông qua con đường tơ lụa.
Người Trung Hoa cổ sử dụng mùi thơm để ướp món ăn
Vùng Trung Đông huyền bí
Vào thế kỷ thứ 16, sự hình thành các tục lệ ở đạo Hồi đã kéo theo sự thịnh hành của nước thơm sử dụng trong các nghi lễ. Những người theo đạo Hồi thậm chí còn khuyến khích các nhà nghiên cứu, những người có học theo đuổi ngành công nghiệp nước hoa để tìm ra công nghệ chưng cất hiệu quả hơn. Sau nhiều nỗ lực, nền văn hóa Hồi giáo đã giúp Tây Âu khai thác 2 khía cạnh mới của mùi hương: sử dụng phương pháp chưng cất hơi nước và tìm ra nguồn nguyên liệu đa dạng hơn.
Những người theo đạo Hồi sử dụng nước thơm trong các nghi lễ
Châu Âu thời trung cổ (Thời Phục Hưng)
Thời Phục Hưng là thời kỳ phát triển nước hoa rực rỡ nhất. Nước hoa được sản xuất tại nhiều quốc gia ở châu Âu, nhưng Ý và Pháp là hai quốc gia sản xuất nước hoa nổi tiếng nhất trong thời kỳ này. Khi phong trào Phục Hưng bùng nổ ở Ý cũng là lúc nước hoa trở nên phổ biến tại đây.
Tương đồng quan điểm với người Trung Hoa, người dân Ý không chỉ xem nước hoa như mỹ phẩm triệt tiêu mùi hôi cơ thể mà còn là thuốc phòng chống nhiễm trùng. Họ bắt đầu biết khai thác nguyên liệu từ động vật để tạo ra hương thơm quyến rũ hơn.
Nổi bật nhất trong số đó là long diên hương trong ruột của cá nhà táng, thành phần dùng để sản xuất nước hoa có mùi hương ngọt ngào, mát mẻ, cho cảm giác như đứng trước biển. Chai nước hoa “tân tiến” đầu tiên áp dụng công nghệ hóa lỏng và sử dụng cồn làm nền có tên Hungary do chính công dân của nước này làm ra theo yêu cầu của hoàng hậu vào thế kỷ 14.
Chai nước hoa “tân tiến” đầu tiên có tên Hungary
Nước hoa Pháp – kinh đô nước hoa tại châu Âu một thời
Cho dù nước hoa vốn đã được sử dụng từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại nhưng ở châu Âu thì sau thời kỳ hoàng kim của đế chế Roma chúng lại dần rơi vào quên lãng. Năm 1533, công chúa Catherine de Medici của Ý được gả cho vua Henry II. Cô chính là người mang nước hoa đến Pháp – nơi nhanh chóng trở thành kinh đô nước hoa tại châu Âu, và có thể nói rằng, từ đây ngành công nghiệp nước hoa đã dần bước sang một trang mới .
Thế kỷ thứ 16 và 17 là giai đoạn cực thịnh trong lịch sử của nước hoa ở Pháp. Đặc biệt là trong giới vương giả và thượng lưu. Cung điện của vua Louis thứ 15 mang tên “La Cour Parfumée” (Cung điện nước hoa). Ông yêu cầu mọi thứ đều phải mang hương thơm, từ nội thất, quần áo cho đến găng tay. Thậm chí, người hầu phải thay đổi mùi hương khác nhau cho căn phòng và đài phun nước mỗi ngày.
Nước hoa Pháp luôn được biết đến với sự sang trọng và độc đáo. Vào thế kỷ 17, Ý được coi là “thủ đô của nước hoa,” nhưng sau đó Pháp đã nhanh chóng đứng đầu trong ngành công nghiệp này. Làm nước hoa đã trở thành một nghệ thuật thực sự tại Pháp, với các nước hoa Pháp cao cấp như Chanel, Guerlain, và Dior. Những nhà sáng tạo nước hoa Pháp đã sử dụng tài năng và kiến thức đặc biệt để tạo ra những mùi hương độc đáo, góp phần xây dựng danh tiếng cho nước hoa Pháp.
Bên trong một xưởng chế tác nước hoa ở Châu Âu
Sau này, Pháp trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc sản xuất nước hoa bằng máy móc và theo dây chuyền trong thời kỳ cách mạng công nghiệp và không ai có thể ngờ tới sự thành công rực rỡ của nó đến nỗi mà bây giờ hầu hết chúng ta đều cho rằng nơi đây mới chính là cái nôi của nước hoa. Cụ thể hơn thì ở đây chính là nước Pháp, nơi khởi nguồn cho những công cuộc cách mạng trong lịch sử nước hoa kéo theo sự bùng nổ của vô số các thương hiệu danh giá và nổi tiếng mãi cho đến tận ngày nay.
Vương quốc Anh hùng mạnh
Dưới sự trị vì của Henry và hoàng hậu Elizabeth I, nước hoa được khẳng định tầm quan trọng của mình hơn bao giờ hết. Tất cả những nơi nữ hoàng đi qua đều phải thơm và sạch, bà tuyệt đối không chấp nhận những mùi hôi thối. Vào thế kỷ thứ 19, nước hoa cũng được xem như một loại hình nghệ thuật. Trải qua nhiều tiến bộ, thế giới nước hoa được mở rộng về quy trình sản xuất và hương liệu, tạo ra một tiền đề vững chắc cho ngành công nghiệp nước hoa về sau.
Nước hoa cũng được xem như một loại hình nghệ thuật.
Nước Mỹ thời cận đại
Những nhà thám hiểm từ Pháp đã mang đến Mỹ mùi hương hoàn toàn mới lạ của Cologne mang tên Florida, bao gồm dầu đinh hương, đậu muồng và cây sả chanh. Hiện nay, chai nước hoa nay vẫn được sản xuất. Người Mỹ cũng đi tiên phong trong phong trào nước hoa phi giới tính (unisex) đang lan rộng ra toàn cầu.
Người Mỹ cũng đi tiên phong trong phong trào nước hoa phi giới tính
Nước hoa thời hiện đại
“Cuộc cách mạng nước hoa Pháp” diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 cùng với sự phát triển của ngành hóa học hữu cơ. Nước Pháp dẫn đầu trong việc chế biến và thương mại hóa thị trường nước hoa, đứng thứ hai là Mỹ.
Sự lên ngôi của nước hoa Pháp hiện đại đến từ các nhà thiết kế tiên phong mà tên tuổi họ từ đó đi kèm luôn với sản phẩm của mình tạo nên một xu hướng mới trong việc đặt tên nước hoa. Việc chiết xuất mùi hương lúc này đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều cùng sự phát kiến của nhiều mùi hương mới khiến nước hoa càng trở nên phổ biến hơn nữa. Với thế mạnh về lịch sử và tay nghề của mình, các hãng nước hoa Pháp tiếp tục thống lĩnh thị trường và theo các cuộc xâm chiếm thuộc địa đi khắp thế giới.
Người Pháp không ngừng học hỏi và khám phá những hương liệu mới lạ, điều này được chứng minh qua chai nước hoa Guerlain’s Shalimar, niềm tự hào vượt thời gian của người dân đất Pháp. Huyền thoại được lặp lại một lần khi Chanel No.5 ra đời tại Paris, chai nước hoa đầu tiên có chứa nguyên liệu nhân tạo aldehyde. Cái tên Chanel và Chanel No.5 sẽ mãi đi vào lịch sử ngành nước hoa vào năm 1921 như là sự khai sinh của nước hoa cao cấp hiện đại. Với một thiết kế chai đơn giản nhưng mùi hương quyến rũ không thể cưỡng lại, đặc biệt được các nữ minh tinh Hollywood bấy giờ rất ưa chuộng càng khiến dòng sản phẩm này nổi tiếng hơn bao giờ hết. Các cái tên lớn khác có thể kể đến Nina Ricci năm 1932, Lanvin năm 1925, Lancome năm 1935…
Nina Ricci năm 1932, Lanvin năm 1925, Lancome năm 1935…
Trước thế kỷ 19, người ta vẫn dùng xạ hương tự nhiên chiết xuất từ một tuyến đặc biệt của hươu xạ đực để làm nước hoa, đồng nghĩa với việc có rất nhiều hươu bị sát hại. Bước sang thế kỷ 20, những tranh cãi về đạo đức và kinh doanh cùng với những tiến bộ của khoa học đã thay đổi ngành công nghiệp sản xuất nước hoa. Nhiều nhãn hiệu nước hoa chuyển sang sử dụng hóa chất tổng hợp để mô phỏng hầu hết hương thơm trong tự nhiên.
Lời kết
Những thăng trầm của nước hoa cứ trải qua theo giai đoạn phát triển của xã hội cho đến thời kì hiện đại. Có lúc đó là những khoảng thời gian bình lặng, có lúc là sự bức phá vượt trội. Ngành công nghiệp nước hoa cũng bắt đầu phát triển với xu thế chú trọng vào việc khơi nguồn cảm xúc từ các giác quan. Làm thế nào chiết xuất được hương thơm một cách tinh tế, kích thích các hệ thống thần kinh của con người. Điển hình là nước Pháp đã đi đầu và tiên phong trong lĩnh vực này. Chúng ta có thể nhận thấy, hiện nay quốc gia này được coi là xứ sở của hãng nước hoa nổi tiếng.
Ngày nay, các hãng nước hoa luôn chạy đua không ngừng để mở rộng thị trường và phát triển sản phẩm, khiến nước hoa ngày càng dễ tiếp cận. Nước hoa không còn là thứ dùng để phân biệt tầng lớp quý tộc với nông dân như trước kia, do ai cũng có thể mua cho mình một chai nước hoa. Khách hàng cũng có nhiều sự lựa chọn hơn: từ nhãn hiệu phổ thông với mức giá dễ chịu cho đến những thương hiệu cao cấp với mức giá xa xỉ; từ những mùi hương nhân tạo cho đến những mùi hương mang phong cách tự nhiên.
Không phải bất kì ai cũng yêu thích nước hoa, điều đó phụ thuộc vào sự cảm nhận và giác quan của mỗi người. Nhưng những thông tin lịch sử phải chăng chúng ta nên nắm bắt đế hiểu được một phần kiến thức của xã hội, một văn hóa nghệ thuật mà con người tạo nên.